“Đây là câu chuyện xuất sắc về một con người và thời đại của ông. Nó càng củng cố thêm cho cảm giác của tôi khi gặp ông trong giai đoạn cuối đời của ông rằng Phạm Xuân Ẩn là một trong những người ấn tượng nhất mà tôi từng gặp. Ông là con người của trí tuệ, lòng can đảm và tình yêu đất nước nồng nàn. Ông cũng là - mặc dù có vẻ thật trớ trêu khi nói ra điều này trong hoàn cảnh hiện nay - một con người của sự chính trực phi thường. Ông yêu chúng ta ở khía cạnh tốt đẹp nhất trong khi lại đối đầu với chúng ta ở khía cạnh tồi tệ nhất.”
- Daniel Ellsberg, tác giả của Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers (Những bí mật: hồi ức về Việt Nam và tài liệu mật của Lầu Năm Góc)
“Thomas Bass kể một câu chuyện tuyệt vời về mưu mô[1], nghề gián điệp và tình bạn. Cuốn sách của ông được viết như thể nó đến từ những bến bờ xa xôi nhất của sự hư cấu, và hẳn tôi sẽ không bao giờ tin nổi lấy một từ nào nếu như chính tôi không gặp rất nhiều nhân vật trong đó và không biết câu chuyện để tin rằng nó có thực và không biết câu chuyện đó có thực hay không.”
- H. D. S. Greenway, biên tập viên, The Boston Globe, và là phóng viên chiến tranh Việt Nam cho tạp chí Time và báo Washington Post
“Mỗi cựu binh, mỗi học giả, mỗi sinh viên, bất kỳ ai từng sống qua cuộc chiến tranh Việt Nam đều được khuyên đọc cuốn sách này và suy ngẫm về thông điệp của nó. Trong cuốn tiểu sử rất sâu sắc và kích thích này về một trong những điệp viên thành công nhất trong lịch sử, Thomas Bass thách thức một vài giả định cơ bản nhất của chúng ta về những gì đã thực sự xảy ra ở Việt Nam và về ý nghĩa của nó đối với chúng ta trong hiện tại.”
- John Laurence, phóng viên chiến tranh Việt Nam cho CBS News và là tác giả cuốn The Cat from Huế: A Vietnam War Story (Con mèo Huế: một câu chuyện chiến tranh Việt Nam).
*
Gã cảm thấy mình đang vĩnh viễn quay lưng lại với sự thanh thản. Mắt mở to, ý thức rõ hậu quả, gã đi vào lãnh địa của sự dối trá không mang theo tấm hộ chiếu cho ngày quay trở lại.
GRAHAM GREENE
Cốt lõi của vấn đề (The Heart of Matter)
***
“Nước Mỹ chỉ giỏi tiến hành những cuộc thập tự chinh,” tướng David Petraeus viết trong luận án tiến sĩ của mình về đề tài “Quân đội Mỹ và những bài học từ chiến tranh Việt Nam”. Được đưa ra bảo vệ tại Đại học Princeton năm 1987, luận án của Petraeus công kích những gì đã trở thành quan niệm được giới nhà binh chấp nhận một cách rộng rãi về những bài học từ Việt Nam. Ông coi đây là một “lối suy nghĩ kiểu được ăn cả ngã về không”, mà chung quy là xuất phát từ học thuyết cho rằng nước Mỹ chỉ nên tiến hành những cuộc chiến tranh thông thường với sự ủng hộ áp đảo của một công chúng mang tinh thần thập tự chinh. Petraeus bác bỏ quan điểm “làm ăn như lối suy nghĩ bình thường” này. Thay vào đó, ông lập luận rằng nước Mỹ có nhiều khả năng là thấy mình sa vào những cuộc chiến tranh phi chính quy khác, đôi khi phải chống trả hai, ba, hay nhiều trận chiến kiểu Việt Nam. Sau này Petraeus tiếp tục biên soạn cẩm nang tác chiến cho lục quân về chống nổi dậy được ban hành ấn hành năm 2006. Năm sau, được trao cơ hội tiến hành công tác thực địa về chuyên ngành học thuật của mình, ông được bổ nhiệm vào vị trí tư lệnh lực lượng Mỹ tại Iraq.
Chiến tranh không chỉ là những cuộc thập tự chinh; chúng còn là những cuộc dan díu của con tim. Chiến tranh được phát động vì tình yêu, điều này thì chúng ta đã biết từ thời nàng Helen của thành Troy[2] khiến cho cả nghìn chiến thuyền chở đầy những chàng trai mê mẩn sẵn sàng chết vì nàng xung trận. Nhà văn hài hước người Mỹ P. J. O’Rourke đã nhận ra chân lý này trong một bài tiểu luận ông viết về Việt Nam năm 1992. “Ở Huế, cứ chiều đến, những nữ sinh trung học trở về nhà sau khi tan học, từng đoàn nữ sinh đạp xe trên con phố, tất cả đều tha thướt trong những tà áo dài trắng tinh, một kiểu trang phục gồm áo dài may ôm sát người mặc trùm lên quần rộng. Không phải vô cớ mà những nhà thờ Công giáo còn lại gióng lên hồi chuông cầu kinh Đức Bà vào thời điểm này trong ngày. Tôi không hiểu ở một nơi mà cái đẹp đã trở nên quá đỗi bình dị như thế có thể thay đổi được bản chất của một xã hội hay không.”
Sau khi trầm trồ trước “tỷ lệ khổng lồ những mỹ nhân ngư và giai nhân tuyệt sắc” ở cái đất nước Địa đàng này, O’Rourke viết: “Giờ thì tôi hiểu tại sao chúng ta lại can dự vào Việt Nam. Chúng ta đã phải lòng… [Chúng ta] đã ngây ngất bởi nơi này. Tất cả mọi người, từ những cố vấn đầu tiên mà Ike3 gửi tới đây năm 1955 cho đến Henry Kissinger ở bàn đàm phán hòa bình Paris, thảy đều mê mệt đến phát cuồng vì Việt Nam. Nó làm tan vỡ trái tim họ. Họ cứ tiếp tục đến thăm và gửi hoa mãi không thôi. Họ không thể tin nổi rằng đây là lần chia tay cuối cùng.”
Trước khi bắt đầu câu chuyện của mình về Việt Nam và nước Mỹ (với đôi nét điểm qua về nước Pháp và những khu vực khác trên thế giới), tôi xin phép được nói rằng cuốn sách này nói về chiến tranh và tình yêu, về những bài học Việt Nam, tác chiến chống nổi dậy và những cuộc xung đột khác bị gọi là phi chính quy. Nó cũng nói về những điệp viên và phóng viên cùng sự lẫn lộn giữa hai nghề này. Một số người sẽ cho rằng các phóng viên góp phần làm cuộc chiến (của chúng ta) tại Việt Nam thất bại. Trong trường hợp này, tôi xin khẳng định rằng có một phóng viên đã góp phần mang đến chiến thắng trong cuộc chiến - cho phía người Việt. Cuốn sách phiền muộn này nói về thông tin và hỏa mù cùng sự mơ hồ không thể tránh khỏi trong việc xác định ranh giới nơi hai yếu tố này hòa nhập vào nhau. Cuốn sách không đưa ra thêm chân lý nào có thể được đúc rút thành những bài học mới về chiến tranh Việt Nam. Nó nói về cuộc sống đơn giản của một con người phức tạp. Sự thật nằm trong các chi tiết. Chúng ta hãy bắt đầu.
...
Mời các bạn đón đọc Điệp Viên Yêu Chúng Ta: Chiến Tranh Việt Nam Và Trò Chơi Nguy Hiểm Của Phạm Xuân Ẩn của tác giả Thomas A. Bass.